Cam kết
hàng chính hãng 100%
Tư vấn sức khỏe,
sản phẩm 24/7
Giao Hàng
Toàn Quốc
Thanh Toán
Khi Nhận Hàng

{Cảnh báo} Dùng An cung ngưu ngừa tai biến, người đàn ông xuất huyết toàn thân

Do nơm nớp lo sợ bị tai biến ông H. đã uống an cung ngưu hoàng để dự phòng, dẫn tới bị xuất huyết dưới da, cơ và chảy máu dạ dày.

Người đàn ông ở Vĩnh Phúc nhập viện cấp cứu do chảy máu dưới da sau khi uống một liều thuốc An cung ngưu hoàng hoàn ngừa tai biến não.

Bệnh nhân 65 tuổi được bệnh viện ở Vĩnh Phúc chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) ngày 31/3 vì nghi ngờ sốt xuất huyết do có hiện tượng xuất huyết dưới da. Kết quả xét nghiệm, chiếu chụp cho thấy khả năng đông máu của bệnh nhân giảm, tình trạng xuất huyết dưới da ngày càng nặng, có chảy máu dạ dày, chảy máu trong cơ kèm theo biểu hiện suy gan.

Bệnh nhân cho biết khoảng ba tuần trước đó đã uống một liều thuốc An cung ngưu hoàng hoàn để dự phòng tai biến mạch máu não. Sau đó ông bắt đầu có biểu hiện bất thường như xuất huyết dưới da, chảy máu dạ dày... Bệnh nhân đang bị bệnh tiểu đường, huyết áp cao.


► Dự phòng tai biến mạch máu não là…hoang đường

Trao đổi với báo chí, Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, bệnh nhân N.V.H (65 tuổi, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) được tuyến dưới chuyển lên ngày 31/3 vì nghi ngờ sốt xuất huyết, do có hiện tượng xuất huyết dưới da.

Sau khi tiến hành các xét nghiệm, chiếu chụp cho thấy khả năng đông máu giảm, tình trạng xuất huyết dưới da ngày càng nặng, có chảy máu dạ dày, chảy máu trong cơ kèm theo biểu hiện suy gan.

Theo bệnh nhân chia sẻ, trước đó khoảng 3 tuần, bệnh nhân có uống một liều an cung ngưu hoàng để phòng tai biến.

Bác sĩ Cấp cho biết, trước đây đã có những trường hợp uống an cung ngưu hoàng gây giảm đông máu, nhưng chỉ biểu hiện trên xét nghiệm các chỉ số đông máu giảm, chưa từng có trường hợp nào gây chảy máu nghiêm trọng như ca bệnh này.

Theo vị bác sĩ trên, việc uống an cung ngưu hoàng để dự phòng tai biến mạch máu não là… hoang đường. Bởi nó là một loại thuốc, phải có chỉ định dùng và trong trường hợp bị tai biến nhồi máu chứ không phải uống nó sẽ có tác dụng phòng tai biến.
B.sĩ Nguyễn Trung Cấp
BS Nguyễn Trung Cấp, khoa Cấp cứu (BV Bệnh nhiệt đới Trung ương). Ảnh Dân Trí
 
Về lý thuyết, tai biến nhồi máu não có thể cải thiện lâm sàng do thuốc làm giảm yếu tố đông máu. Còn trong trường hợp ngược lại, bị tai biến xuất huyết não, uống an cung ngưu hoàng càng nguy hiểm vì gia tăng chảy máu.

Ngay trong trường hợp tai biến nhồi máu não, có đông tắc mạch việc tùy tiện dùng thuốc rất nguy hiểm. Bởi nếu vùng nhồi máu quá lớn, khi dùng an cung sẽ gây nguy cơ chảy máu bên trong vùng nhồi máu làm chảy máu thêm trầm trọng hơn.

Đặc biệt, khi mới bị tai biến, không ai (kể cả bác sĩ) có thể khẳng định tai biến do nhồi máu não hay xuất huyết não, mà phải tiến hành chiếu chụp, xét nghiệm mới có thể khẳng định. Vì thế, tùy tiện dùng thuốc là rất nguy hiểm.

Về vấn đề này, theo PGS.TS Nguyễn Gia Bình – Trưởng khoa Hồi sức tích cực (BV Bạch Mai), bệnh viện đã cấp cứu cho nhiều bệnh nhân bị tai biến mạch máu não không qua khỏi, hoặc để lại di chứng nặng nề do uống an cung ngưu hoàng.

Đó là những trường hợp xuất huyết não, được người thân cho uống an cung ngưu hoàng trước khi nhập viện. Hậu quả là máu chảy ồ ạt, không cứu được người bệnh. Có cứu được thì não cũng bị di chứng nặng, sống cuộc sống thực vật.

 
an cung nguu
An cung ngưu hoàn
 
Có trường hợp bệnh nhân tai biến khi được đưa đến viện, máu đã chảy tràn trong não. Người nhà cho biết, khi thấy có dấu hiệu tai biến đã cho ngậm an cung.

Bởi an cung ngưu hoàng có tác dụng chống đông. Bệnh nhân đang bị xuất huyết máu não, cần cầm máu không cho chảy thì lại uống an cung ngưu hoàng, khiến máu không thể đông lại, càng chảy máu nhiều thêm, càng nguy hại cho người bệnh.

Bệnh nhân bị tai biến mạch máu não thể chảy máu nếu cho dùng thuốc này thì xuất huyết càng nặng hơn. Điều này có nghĩa việc người dân trữ an cung ngưu hoàng trong nhà để dùng khi có tai biến là rất nguy hiểm.

Bởi tai biến mạch máu não là một từ rất là chung liên quan đến các bệnh lý của mạch máu, trong đó có thể chảy máu não (xuất huyết não), nhồi máu não (tắc mạch não), theo đó cách điều trị cũng khác nhau.


► Đã có rất nhiều trường hợp xuất huyết nặng hơn sau khi dùng An cung

Điều đáng nói đây không phải trường hợp đầu tiên sử dụng An cung hoàng ngưu gặp sự cố, năm 2014, ông Tảo (Hà Nội, 60 tuổi) cũng phải nhập viện trong tình trạng hôn mê do xuất huyết não.

Tiến sĩ Phạm Duệ – Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, sau hai tuần điều trị tích cực, bệnh nhân đã tỉnh lại, có hy vọng cứu tốt. Thế nhưng ngay hôm sau ông Tảo lại rơi vào trạng thái hôn mê sâu, do người nhà cho ông Tảo uống 2 viên An Cung Ngưu Hoàng hoàn với hy vọng nhanh khỏi.

Uống xong thì ông hôn mê. Bác sĩ xác định bệnh nhân xuất huyết não lại, nặng hơn rất nhiều so với trước.

“Chưa biết An Cung Ngưu Hoàng hoàn tác dụng đến đâu, nhưng nó rõ ràng là thuốc, với các thành phần cần thận trọng khi sử dụng. Vì vậy khi dùng phải đúng liều lượng, chỉ định nghiêm ngặt, nếu không hậu quả sẽ khó lường”, bác sĩ Phạm Duệ nói.

Cũng tại Bệnh viện Bạch Mai, khoa hồi sức tích cực từng tiếp nhận cấp cứu một bệnh nhân nam 74 tuổi ở Hà Nội có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường, bị đột quỵ, liên quan tới sử dụng An Cung Ngưu.

Người nhà cho biết đã mua mấy hộp An Cung Ngưu Hoàng hoàn về cho bệnh nhân sử dụng để ngừa tai biến, nâng cao sức khỏe. Sau nửa tháng uống thuốc, bệnh nhân rơi vào tình trạng hôn mê.

Khi nhập viện, người bệnh đã chảy máu mũi, miệng, chân răng, giãn đồng tử, phải mở khí quản để thở. Xét nghiệm cho thấy ông bị rối loạn đông máu.

Bác sĩ Nguyễn Huy Thắng – Trưởng Khoa bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM) cũng khuyến cáo hiện An Cung Ngưu Hoàng hoàn không được các tổ chức thầy thuốc chuyên ngành đột quỵ của các nước trên thế giới khuyến cáo sử dụng trong điều trị và phòng ngừa bệnh lý đột quỵ, kể cả Trung Quốc và Hàn Quốc là những nước sản xuất thuốc này.

Theo bác sĩ Thắng, bệnh nhân đột quỵ thường bị rối loạn chức năng nuốt, đặc biệt một số trường hợp đột quỵ nặng bệnh nhân có tri giác lơ mơ hoặc hôn mê…Do vậy, khi cho uống (nước hoặc thuốc) rất dễ làm bệnh nhân sặc và gây ra tình trạng viêm phổi do hít sặc, thường có hậu quả rất nặng nề và có thể dẫn đến tử vong.

 
Nguồn: Đất Việt

Các tin khác